Lý Tự Trọng ( 1914 - 1931)




     Thuở nhỏ, Lý Tự Trọng được gọi là Lê Văn Trọng, con ông Lê Khoan ở xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình anh phiêu bạt sang Thái Lan sinh sống, anh ra đời tại Bản Mauy, tỉnh Nam Khôn, vùng Đông Bắc Thái Lan.
     Anh sớm được đi học và có ý thức về những hoạt động cứu nước.
     Đầu năm 1926, anh được Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Trung Quốc sang Thái Lan chọn đưa về Quảng Châu. Ở đây anh được Nguyễn Ái Quốc chọn đặt tên là Lý Tự Trọng, rồi giới thiệu vào học tiếng Trung Quốc tại một trường học của Chính phủ Tôn Trung Sơn, sau đó về giúp việc tại một cơ quan của Tổng bộ ở Quảng Châu. Anh đã góp phần tích cực vào việc liên lạc giữa Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên với đảng bạn và các cán bộ cách mạng Việt Nam hoạt động ở Trung Quốc, đồng thời tổ chức việc chuyển thư từ, tài liệu của Tổng bộ về nước.
    Mùa thu năm 1929, anh được đưa về Sài Gòn làm công tác ở cơ quan Trung ương An Nam Cộng sản đảng, giữ nhiệm vụ liên lạc với các cơ sở để giao nhận tài liệu cả trong và ngoài nước, làm phiên dịch cho các đồng chí Trung ương với các đồng chí quốc tế.
     Tuy công việc bận rộn và hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn, anh vẫn tìm mọi cách học tập thêm về chính trị và đọc sách báo văn nghệ tiến bộ.
     Trong cuộc mít tinh kỉ niệm cuộc khởi nghĩa Yên Bái ngày 8/2/1931 anh đã bắn chết tên mật thám Lơ-gơ-răng để bảo vệ đồng chí Phan Bôi đang diễn thuyết tố cáo tội ác của thực dân Pháp và kêu gọi quân chúng đấu tranh đòi thả những chiến sĩ cách mạng bị chúng cầm tù. Ngay sau đó, anh đã bị địch vây bắt.
     Trong tù thực dân Pháp sử dụng mọi thủ đoạn tra tấn tàn bạo nhất, làm cho anh chết đi, sống lại nhiều lần, nhưng chúng vẫn không thể khuất phục được người chiến sĩ cộng sản gang thép trẻ tuổi.
     Đứng trước tòa, anh vẫn tiếp tục vạch trần bọn đế quốc và lớn tiếng tuyên truyền cách mạng. Bị kết án tử hình, trong nhà tù, hàng ngày anh vẫn tập thể dục và đọc Truyện Kiều. Giặc Pháp đã xử tử anh tại Sài Gòn ngày 21/11/1931. Trước khi chết anh hát vang bài Quốc tế ca.
  
                                          (Theo: Đinh Xuân Lâm - Trương Hữu Quýnh(Chủ biên),                                                                                  từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam)

Không có nhận xét nào...

Share